body Cài Đặt, Tuỳ Chỉnh Hệ Điều Hành Fedora 20 ~ 2CodeClass

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Cài Đặt, Tùy Chỉnh Hệ Điều Hành Fedora 20



 Giao diện Hệ điều hành Fedora


Phần 1 Cài Đặt

1 Cài Đặt

01 laptop/desktop đang sử dụng Windows với ổ cứng còn chừa chỗ để nhét cái Fedora vào
01 USB dung lượng 2GB++ (1GB cũng được nhưng mà sợ khó tìm)
01 file ISO Fedora 20 (default) 32bit/64bit

2 Tải xuống 
Bản 32Bit (Tải xuống)
Bản 64Bit (Tải xuống)
Tải và cài đặt phần mềm LiveUSB Creator (Tải xuống)

Chuẩn bị xong rồi thì... tiếp tục chuẩn bị:
- Cắm cái USB vào máy, chạy phần mềm LiveUSB Creator và theo tác theo trình tự: 
- Chọn Browse dẫn tới file ISO Fedora được tải về trong phần trước
- Kiểm tra phần Target Device xem đã chọn đúng USB chưa
- Phần Persistant Storage cứ để nguyên giá trị 0MB
- Cuối cùng nhấn vào nút Create Live USB và chờ tiến trình hoàn tất 100%.


4. Sau đó Restart máy và chọn USB để bắt đầu cài đặt:
Đợi cho quá trình khởi động hoàn tất và... tiếp tục chọn "Install to Hard Drive"



Phần tiếp theo là chọn ngôn ngữ sử dụng trong suốt quá trình cài đặt.  lựa chọn sử dụng tiếng HOA KỲ và nhấn vào nút "Continue"



Tiếp theo chọn Installation Destination để thực hiện quá trình ăn chia hợp lý, tránh xảy ra tranh chấp giữa Fedora và Windows.


Nếu bạn nào đang dùng PC với nhiều hơn 1 ổ cứng thì hãy chắc chắn rằng bạn đang chọn đúng với dấu Check trên ổ cứng muốn cài đặt. Sau đó nhấn vào "Done" để tiếp tục



Chọn "Custom Partitioning" để quản lý thủ công việc chia phân vùng cài đặt.


Ở bảng tiếp theo nhấn vào dấu + phía bên dưới để tạo phân vùng mới. Việc cài đặt với
Legacy-MBR không yêu cầu khởi tạo phân vùng phụ với Mount point là /boot. Đối với những 
người đã quen dùng Linux và việc chuyển qua lại giữa các distro nhiều thì sẽ tạo thêm phân 
vùng /home để đỡ phải sao lưu dữ liệu. Nhưng trường hợp của chúng ta là đang cài song song
với Windows và thường thì đã có 1 phân vùng Data riêng, do đó các bạn chỉ cần tạo 2 phân vùng như hình minh họa 
- 01 phân vùng có mount point là "swap" (thường có dung lượng lớn gấp 2 lần lượng RAM để 
phục vụ cho chức năng ngủ đông, hoặc trợ RAM khi cần)
- 01 phân vùng có mount point là "/" và filesystem là "ext4" (với dung lượng lớn nhất có thể để chứa hệ điều hành và phần mềm)
Sau cùng nhấn vào "Done" rồi "Accept change" và chờ 1 lúc để máy format mấy cái phân vùng mới theo thiết lập.



Khi quay trở lại cửa sổ Installation Summary các bạn nhấn vào "Begin Installation" để quá 
trình cài đặt diễn ra tự động.
Trong khi chờ đợi quá trình cài đặt hoàn tất, chúng ta sẽ tạo tên người dùng và mật khẩu 
hệ thống.


Nhấn vào phần tạo mật khẩu root ở phía bên trái. Có 2 ô để đưa mật khẩu mới vào và xác nhận lại thôi. Giải thích nôm na cho người mới chưa biết thì đây là tài khoản có phân quyền cao nhất trong hệ thống Linux. Nhưng trong quá trình sử dụng và theo hướng dẫn sử dụng ở tút này thì 
có lẽ các bạn sẽ không phải sờ đến nó đâu.  Nhập xong password rồi thì nhấn vào "Done" và xử
lý tiếp phần tạo người dùng mới.


Đây sẽ là tài khoản mà các bạn đăng nhập để sử dụng trong 99,99999% thời gian dùng Fedora chứ không phải root. Điền tên người dùng, đặt mật khẩu và check vào dòng "Make this user administrator" sau đó nhấn vào "Done" để hoàn tất.


Sau khi chờ đợi thêm 1 vài phút thì tiến trình sẽ hoàn tất 100%. Các bạn nhấn vào "Quit" và click chuột vào khu vực System Tray ở "góc phía trên, bên phải" màn hình và chọn biểu tượng Shutdown để thoát khỏi USB cài đặt và khởi động vào hệ điều hành Fedora mới cài xong



Sau khi Restart vào tới cái Fedora thì chúng ta còn 1 chút việc để hoàn tất và bắt đầu sử dụng. Chẳng có gì nhiều đâu, chỉ là vài cái form chào hỏi làm hàng trông cho có vẻ chuyên nghiệp thôi  Đầu tiên là cái bảng Welcome với phần chọn ngôn ngữ hiển thị của hệ điều hành. Mà mình nghĩ chắc lại HOA KỲ đi cho gọn  Next!



Bộ gõ tiếng Việt đã được Fedora tích hợp sẵn. Các bạn thao tác theo hình hướng dẫn bên dưới để kích hoạt và sử dụng song song với bộ gõ tiếng Anh






Chọn kiểu gõ mà bạn quen dùng. Trong hình minh họa thì mình dùng Telex.



Nhấn next.



Chọn kết nối WIFI



Phần thêm các dịch vụ Online chúng ta cũng sẽ đề cập sau. Next! và thế là hoàn tất vụ cài đặt.



Phần 2  Sử dụng



Trên thực tế Fedora và các bản phân phối khác của Linux đều có thể cài đặt và sử dụng rất nhiều gói giao diện người dùng khác nhau. Tuy nhiên, bản thân mình muốn chọn cái mặc định của Fedora 20 để giới thiệu tới những bạn mới dùng Linux. Đây là một gói giao diện người dùng mang lại tính tiện dụng, đa năng và ổn định. 

Do đó nếu có bạn nào hảo tâm muốn đóng góp cho đội ngũ xây dựng gói giao diện người dùng này thì các bạn có thể ghé thăm trang chủ của họ tại  để tăng traffic rank cho web. Sau đó quay trở lại donate trực tiếp của cải vật chất cho mình vì mình nghĩ là bên đó họ cũng đồng ý trả công PR sản phẩm của họ thôi. 

Bắt đầu chọc ngoáy em nó, các bạn chuẩn bị giấy cầm máu nhé !

Đầu tiên các bạn nhấn vào khu vực góc phía trên, bên phải màn hình sẽ thấy có 1 bảng nhỏ bao gồm vài tùy chỉnh nhanh như Âm lượng loa, Độ sáng màn hình, "Select network" để chọn mạng WiFi muốn truy cập, WiFi Setting để chỉnh lại một số thiết lập mạng như DNS hay đặt IP tĩnh. 3 biểu tượng xếp hàng ngang ở phía dưới cùng từ phải qua trái lần lượt là Power (tắt, khởi động lại hoặc đưa máy vào chế độ ngủ đông), Cái ổ khóa ở giữa thì mình không biết nên các bạn cứ bấm thử vào xem sao. Cuối cùng là Setting (tùy chỉnh các thiết lập của hệ điều hành)



Tiếp theo là thông báo bộ gõ đang sử dụng, các bạn có thể chuyển qua lại giữa các bộ gõ bằng cách thủ công nhất là nhấn chuột vào đó và chọn bộ gõ muốn dùng. Về phần phím tắt để chuyển nhanh thì mình xin đề cập ở trong hạng mục sau để bài viết đỡ rối. 



Khu vực Date/Time ở giữa thanh Top-bar các bạn cũng có thể click để tham quan nếu muốn. 

Sau đó là tới góc phía bên trái nhấn vào khu vực có chữ Activities thì màn hình sẽ xuất hiện giao diện Dash. Bạn cũng có thể mở giao diện Dash bằng cách nhấn phím có hình logo Windows ở trên bàn phím.

Ở phía bên trái màn hình có 1 thanh Dock nơi mà các bạn sẽ để shortcut của những phần mềm hay dùng. Cứ click vào mở thử mấy ứng dụng xem nó có chạy được không đã rồi tính tiếp  Lưu ý cái icon được tớ đánh dấu màu đỏ.

Có 1 ô Search ở phía trên để giúp người dùng tìm kiếm nhanh những thứ đã biết tên, từ khóa cần tìm. 

Ở phía bên phải là các Desktop nhưng mình thích gọi là "bàn làm việc". Nếu làm việc cùng lúc với nhiều hơn 2 ứng dụng, chúng ta có thể kéo thả ứng dụng vào các "bàn làm việc" khác nhau để quản lý theo nhóm tốt hơn, đặc biệt tới lúc cao điểm làm việc với tầm 5-6 ứng dụng mà để trên cùng 1 Desktop rồi Alt-Tab để chuyển ứng dụng là muốn mờ con mắt luôn. 



Quản lý tệp và thư mục


Cũng na ná với cái Windows mà các bạn đang xài xể, Fedora có một ứng dụng để quản lý tệp và thư mục tên là Files và giao diện của nó như hình bên dưới đây. Lưu ý thêm là khi chạy 1 ứng dụng chúng ta sẽ có tên của ứng dụng đó hiện ra ngay bên cạnh cái Activities và nếu click vào đó cũng có thể có thêm nhiều tùy chỉnh.



Cũng có thư mục dành cho người dùng và các thư mục con như Pictures, Documents.. bla bla bla. Ở mục Devices là các phân vùng ổ cứng có trong máy. Ví dụ như hình chụp của mình thì có cái phân vùng "65GB Volume" là Windows, ổ Data chứa dữ liệu, và phân vùng Computer chính là phân vùng chứa hệ điều hành Fedora đang sử dụng. Thư mục người dùng được đặt trong "home/ten_nguoi_dung" và 1 mớ bòng bong liên quan mà các bạn cũng ko cần để ý tới làm gì  Chúng ta sẽ mò đến khi cần xử lý một vài vấn đề nhỏ nhặt ví dụ sửa hosts vào facebook thì ở đó cũng có cái thư mục "etc" rồi file hosts nằm trong đó


Cài đặt phần mềm


Ở phiên bản Fedora 20 chúng ta có một điểm mới là có thể cài đặt phần mềm qua một ứng dụng quản lý có tên là Softwares nó tương đương với cái App Store trên máy Mac và Market của Windows 8. Lướt shop, chọn ứng dụng, đọc qua vài dòng giới thiệu và nhấn Install để cài đặt nếu kết 




 
 Ngoài ra thì chúng ta vẫn có thể cài đặt phần mềm theo 1 cách phổ biến là sử dụng trình duyệt web firefox có sẵn lần mò download các ứng dụng về và cài đặt chủ động. Chỉ có một lưu ý nhỏ là các bạn phải chọn tải chính xác gói cài đặt phù hợp với hệ điều hành đang sử dụng. 




Sau khi tải về xong, chúng ta chỉ việc click đúp vào gói cài đặt và chọn Install để cài đặt


 Trình cài đặt Softwares Installers sẽ lo phần còn lại như tự tải thêm các gói hỗ trợ cho chương trình đang cài do đó bạn nên có kết nối mạng tại thời điểm cài đặt phần mềm.


Chờ cho đến khi tiến trình cài đặt kết thúc và mở phần mềm sử dụng thôi 


Ứng dụng tên là Terminal



Bình tĩnh! Đừng hoảng nhé.  Các bạn sẽ không phải học các câu lệnh để sử dụng Fedora đâu. Mình giới thiệu Terminal chỉ vì đây là một công cụ hữu ích cho những tình huống mà các bạn có thắc mắc cần giúp đỡ. Những người có kiến thức và khả năng sẽ có thể giúp đỡ các bạn nhanh nhất khi có công cụ này.

Ví dụ một trường hợp xem nào..

Câu chuyện tớ đang kể đây thì có một anh bạn tên là ABC mới sử dụng Linux đang cần tìm một ứng dụng quản lý ảnh và chỉnh sửa hiệu ứng nhẹ nhàng nên lọ mọ vào các diễn đàn công nghệ lập thread gạ hỏi:
ABC: Đứa nào dùng Linux trong đây chờn mặt rồi thì cho xin cái phần mềm quản lý với cân màu ảnh nào  
Tất nhiên đó là nội dung post bên trong còn phần biển hiệu treo bên ngoài thì vẫn đậm chất lừa tình kiểu như "Có pro nào tốt bụng giúp em tìm phần mềm na ná với Lightroom dùng trên Fedora với ạ" 
Cùng lúc có một "pro IT" tên là XYZ, tay lướt trên bàn phím nhanh như gió, cũng đang lanh quanh và thấy thread mới mà vấn đề thì cũng dễ giải quyết, cũng như ghi điểm trong mắt mấy tay mơ.  Thấy ngon ăn nên gã lập nick mới nhảy vào ngay. Không nói không rằng đặt cái comment cụt ngủn:
XYZ: sudo yum install darktable
Đoạn gõ xong phím Enter lần cuối cùng thì hắn log out tài khoản nhanh như chớp vì sợ ở lại lâu bị hỏi mấy câu khó hơn mà không trả lời được thì cũng mất mặt.. 
Về phần ABC, sau một hồi lay hoay google để giải nghĩa câu trả lời của "pro IT" XYZ thì cũng hiểu ra vấn đề và việc mình cần làm. Anh ta lấy một mẩu giấy nhỏ và bút bi để ghi chép lại cẩn thận, tỉ mỉ từng chữ mà gã XYZ xúi quẩy ban nãy, sau đó dán mẩu giấy lên màn hình máy tính và gõ phím Enter với niềm hứng khởi tột cùng, cảm xúc lúc ấy cứ như thể mình là anh-xtanh và đang sáng chế ra thứ gì đó vậy. 

Phần tiếp theo của câu chuyện thì mình chưa nghĩ ra tiếp nên show thêm mấy tấm ảnh vậy.

Hệ thống sẽ hỏi nhập mật khẩu thì các bạn cứ gõ mật khẩu vào và Enter. Trong khi gõ mật khẩu thì thằng Terminal nó không biểu hiện gì nhưng cứ tự tin mà gõ cho đúng là được.



Sẽ có thêm 1 bước thông báo gói cài đặt chính, các gói cài đặt thêm để hỗ trợ, dung lượng tải về, dung lượng cài đặt và hỏi xác nhận. Các bạn nhập "y" để đồng ý và Enter



Cuối cùng chỉ việc chờ cho đến khi tiến trình hoàn tất và mở phần mềm để sử dụng.

Phần 3 Tùy Chỉnh Cơ Bản


Ở phần này, chúng ta sẽ tùy chỉnh một vài lựa chọn cơ bản để hỗ trợ cho việc sử dụng vừa ý hơn với thói quen.  Các bạn mở ứng dụng Setting trong Dash (hoặc chuột phải vào màn hình Desktop chọn Setting cho nhanh.



Có khá nhiều thứ để mầy mò trong cửa sổ Setting. Bắt đầu với việc điều chỉnh Chuột&Touchpad, điều chỉnh tốc độ chuột, kích hoạt tính năng "Tap to click" (nếu bạn sử dụng laptop và cần nó). Sau đó nhấn vào phím mũi tên ở góc phía trên bên trái để quay lại Menu chính.



Tiếp tục chọn Keyboard >> thẻ Shortcuts để thay đổi các tổ hợp phím cần dùng cho phù hợp với thói quen sử dụng cá nhân. Về cơ bản thì phím tắt trên Fedora tương đồng với Windows nên chúng ta chỉ để ý đến mấy thứ đặc biệt chút thôi. Ở cột bên trái chọn ScreenShot để đặt các tổ hợp phím chụp màn hình và tự lưu luôn file chụp về thư mục Pictures (toàn bộ, chỉ cửa sổ đang làm việc, khoanh vùng phần muốn chụp). Cái này cực kì tiện lợi như dùng máy Mac và nhanh hơn so với cái Clipping tools trên Windows. 



Chọn Typing để đặt tổ hợp phím chuyển nhanh giữa các bộ gõ. Như mình thì đặt Control+Space. Nếu sử dụng nhiều hơn 2 bộ gõ thì giữ phím Control và nháy Space để chuyển đổi giữa các bộ gõ cho đỡ nhầm nhọt. 




Tiếp theo thì là 1 cái khá hay ho, Online Accounts! Cái này là đang trong quá trình học hỏi của bác S.J nhưng không được đến mức trên cả tuyệt vời như dùng Mac. Trên Fedora thì tính năng này chỉ dừng lại ở mức độ tuyệt vời thôi.  Như trong ví dụ thì mình có thể chat facebook với 1 client được cài sẵn tên là Empathy.



Hơi buồn là chat chit chưa hỗ trợ đám Sticker của FB nên sẽ hiện một cái link khi bạn bẻ gửi Sticker.



 Ngay cả khi đã đóng hết các cửa sổ thì vẫn có thể trả lời tin nhắn FB ngay trong panel thông báo. (Để mở panel thông báo thì các bạn kéo chuột xuống cạnh dưới của màn hình hoặc nhấn tổ hợp phím Win+M)



Next! Tùy chỉnh công cụ tìm kiếm của Dash. Như đã giới thiệu lúc đầu thì công cụ tìm kiếm của Dash có thể giúp bạn tìm kiếm nhanh ứng dụng cần mở bằng cách nhập vào vài kí tự liên quan tới tên phần mềm, tìm kiếm file, folder, danh bạ, cài đặt...v.v Nhưng mà tớ không có nhu cầu hiển thị những kết quả liên quan đến danh bạ thì sao?



Bật hoặc tắt các bộ lọc để loại bỏ những kết quả tìm kiếm không mong muốn.

Giới hạn khu vực tìm kiếm. Bạn có thể nhấn vào dấu + để thêm những thư mục cần tìm kiếm nếu thư mục đó không thuộc thư mục người dùng mặc định hoặc phần vùng khác.



                            

Nắn nót tỉa tót xong là phải thử ngay xem đã vừa ý chưa.  Nào là tìm kiếm file này




Này thì tìm kiếm nhanh cài đặt tài khoản online nèy 



Tra từ điển bằng Google Translate luôn này 



Ê hê.. cơ mà cái tra từ điển là nhầm lẫn có cố ý đấy nhé. Không liên quan đâu. Thớt nhá khoe hàng trá hình đấy. 
Ok, vẫn còn nhiều phần tùy chỉnh khác trong mục Setting nhưng các bạn tự lay hoay tí nhé. Thoải mái đập phá không lo hỏng hóc gì đâu. Thắc mắc gì cứ đặt câu hỏi.  Còn thì chúng ta sẽ phải giành thời gian cho các vấn đề khác cực kì quan trọng trong phần kế tiếp.


4 - Các gói PM và tùy chỉnh cần bổ sung



Khắc phục vấn đề thiếu font và render chữ nghĩa chưa mịn mắt

Tại sao phải xử lý vấn đề này? Nếu trình bày bằng lời thì có lẽ hơi dài nên mình sẽ show cái ảnh "before & after" trước rồi giải thích sau

 Quá rõ ràng rồi, việc thiếu font chữ thì dẫn tới hiện tượng trong cùng 1 từ thì các chữ cái thích bay lắc, không nghiêm chỉnh hàng lối. Còn về việc render font chữ chưa mịn màng thì cũng khá nhức nhối với người kĩ tính, ở phần trên của bức ảnh các đối tượng chưa được bổ trợ bằng các sub-pixel thực sự tốt nên nhìn khá mỏi mắt.  Và giờ thì chúng ta sẽ bắt tay vào khắc phục cả 2 vấn đề này với tic-tac-tút bên dưới.

Đầu tiên các bạn tải về bộ font ở link dưới đây (lưu vào thư mục Downloads): (Tải xuống)

Sau khi tải về xong nhấp chuột phải vào file extra-fonts.zip và chọn "Extract Here" để giải nén. Tiếp theo là mở ứng dụng Terminal, chép cẩn thận câu lệnh sau bằng bút bi và giấy xong dán lên màn hình và gõ phím Enter. (Trong terminal sử dụng tổ hợp phím Control+Shift+V để paste):

"sudo mv Downloads/extra-fonts /usr/share/fonts/extra"




 Tiếp theo chúng ta sẽ chỉnh lại phần thiết lập để render font chữ mịn màng hơn bằng ứng dụng Gnome Tweak Tool. Mặc định thì ứng dụng này không được cài đặt sẵn và các bạn có thể tìm tải về bằng ứng dụng Software mà mình đã giới thiệu trong hạng mục trước. Tuy nhiên mình cũng đã giới thiệu phương án cài đặt bằng Terminal nhanh hơn rất nhiều, nếu các bạn không ngại "dán" thêm 1 dòng vào Terminal thì nó đây

"sudo yum install gnome-tweak-tool"

Sau khi cài đặt xong, mở phần mềm Tweak Tool lên và chọn mục Fonts, chỉnh lại phần Hinting và Antiliasing về 2 giá trị Slight và Rgba như hình bên dưới. Xong xuôi restart lại máy để tận hưởng thành quả thôi


Cài đặt các gói bổ sung để chơi nhạc và xem phim Offline

Khi click đúp vào mở một file mp3 hoặc mp4 Phê-đờ-ra đưa cho mình một bảng thông báo là thiếu plugin mà bấm Search thì nó lại báo không tìm thấy gói phần mềm phù hợp là sao!!!! 
Đây rõ ràng là một điểm trừ lớn! Nhưng mà thôi, thương nhau thì 9 bỏ làm 10  Vẫn có cách khắc phục và thậm chí là rất dễ và chẳng tốn thời gian là mấy. Lại tiếp tục cần mẫn với việc dán giấy lên màn hình, mở Ternial và tận hưởng cảm giác Like-a-hacker (Nếu có được hỏi xác nhận thì gõ "y" để đồng ý và Enter tiếp nhé"

"sudo yum localinstall --nogpgcheck http://download1.rpmfusion.org/free/fedora/rpmfusion-free-release-20.noarch.rpm"

"sudo yum localinstall --nogpgcheck http://download1.rpmfusion.org/nonfree/fedora/rpmfusion-nonfree-release-20.noarch.rpm"

Sau đó lại cố đấm ăn xôi click đúp vào file nhạc hoặc video muốn xem. Nó lại thử thách mình lần nữa với cái bảng có lựa chọn "Search". Cơ mà lần này anh đếch sợ, anh biết cách Search cho ra kết quả rồi.  Rời ghế ngồi hít đất khởi động chục cái cho nóng người rồi dồn hết sức bình sinh nhấn chuột thật mạnh vào chữ Search là nó sợ. Lần sau chừa nha "Search", đừng có dại mà trêu anh lần nữa 



Thông báo những gói cần cài đặt thêm, chọn Install thôi.



Lần này thì kể cả là có quay lưng đi thì "nó" cũng vẫn cứ sợ và ngoan ngoãn tải về các gói cần thiết. Mất vài giây thôi và hệ thống sẽ tự động cài đặt rất nhanh chóng, tự Play luôn. 











Cài đặt plugin Flash Player cho trình duyệt Firefox

Bản thân mình thì không cần cái này vì mình những tác vụ như xem phim ở các web dùng Flash hoặc chơi game web thì mình xài Chrome (thằng này tích hợp và tự động update flash khi mình online). Còn thì xem video trên youtube hoặc những web sử dụng HTML5 (giờ đã rất phổ biến) thì không cần cài flash đối với Safari trên Mac và Firefox trên Fedora vì có vài cái plugin khác được nhúng sẵn rồi (được việc nhất là thằng QuickTime của Apple).




Tuy nhiên đối với những bạn sử dụng Firefox làm trình duyệt chính và thói quen sử dụng khác với mình thì việc cài thêm plugin Flash Player là cần thiết. Mở Terminal và chơi dán giấy tiếp thôi.


"sudo rpm -ivh http://linuxdownload.adobe.com/adobe-release/adobe-release-i386-1.0-1.noarch.rpm"


"sudo rpm --import /etc/pki/rpm-gpg/RPM-GPG-KEY-adobe-linux"


"sudo yum install flash-plugin"




 Hết

Nguồn VN-ZOOM (Có chỉnh sửa)









0 nhận xét:

Đăng nhận xét